Trong tháng 6 có 2 ngày cực kì có ý nghĩa đối với mỗi gia đình, đó là: Ngày quốc tế thiếu nhi 1/6 và Ngày gia đình Việt Nam 28/6. Mỗi ngôi nhà, mỗi tổ ấm đều phải được nuôi dưỡng, chăm sóc và 2 ngày này cũng chính là dịp để mỗi người hướng về gia đình cùng những đứa con nhiều hơn.
Thực tế, Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) mới xuất hiện khoảng 20 năm nay nhằm tôn vinh mái ấm gia đình Việt, là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ... động viên các gia đình riêng trong đại gia đình Việt Nam vượt qua khó khăn để xây dựng những mái ấm hạnh phúc.
"Nhà là gia đình - gia đình là nhà" cần phải thực chất thay vì khẩu hiệu.
Ngày Gia đình Việt Nam có từ bao giờ?
Thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”.
Trong khi đó, gia đình là một tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Nền giáo dục gia đình cũng là 1 trong 3 nền tảng giáo dục con người.
Do đó, ngày 28/6/2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng của cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về Ngày gia đình Việt Nam.
Ngày 28/6 hàng năm có vai trò đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày Gia đình Việt Nam là dịp để mỗi người con hướng về cội nguồn, về người thân.
Ý nghĩa ngày Gia đình Việt Nam
Gia đình là một phần của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, đồng thời còn là môi trường quan trọng trong việc hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Bên cạnh đó, gia đình Việt được hình thành, phát triển với những chuẩn mực, giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc.
Trên thực tế, con người ta phải biết yêu thương gia đình trước tiên thì mới biết yêu thương đất nước. Những giá trị truyền thống như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, hiếu nghĩa, hiếu học… phải được và thực tế đã được chính mỗi gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước.
Giờ đây, Ngày gia đình Việt Nam chính là dịp để mỗi người con hướng về cội nguồn, về người thân, nuôi dưỡng những tình cảm, giá trị văn hóa cao quý của dân tộc. Dù có đi đâu, làm gì đi chăng nữa, bạn hãy luôn hướng về gia đình, nhớ đến gia đình với những gì tốt đẹp nhất.
Ngoài ra, đây cũng là dịp để chúng ta cùng nhau chung tay chống lại bạo lực gia đình, bất bình đẳng trong hôn nhân, lên án xâm hại trẻ em và đề cao những hành động đẹp của các thành viên trong gia đình. Có như vậy, Ngày gia đình Việt Nam mới trở nên ngày càng có ý nghĩa và thiết thực hơn.
Vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, Việt Nam cũng du nhập khá nhiều ngày lễ quốc tế như: Ngày của cha, Ngày của mẹ, Ngày quốc tế hạnh phúc...
Quốc tế có Ngày gia đình không?
Trên thế giới, từ năm 1991 Liên Hiệp Quốc đã thông qua "Nghị quyết số A/REC/47/237" lấy ngày 15/5 hàng năm làm "Ngày quốc tế Gia đình" (viết tắt là IDF - International Day of Families).
Trước đó, năm 1980, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cũng từng công bố năm 1994 là "Năm quốc tế Gia đình", để nâng cao nhận thức về các vấn đề gia đình và tăng cường khả năng của các quốc gia trong việc thực hiện các chính sách toàn diện về những vấn đề liên quan đến gia đình.
Riêng ngày gia đình, nhiều nước cũng có ngày này như Mỹ, Pháp, Hà Lan... dù với tên gọi có khác nhau xong ý nghĩa cũng khá tương đồng với Ngày gia đình Việt Nam.
Ngoài ra, một số nước tuy không kỉ niệm Ngày gia đình, nhưng họ cũng lấy ngày 20/3 - Ngày Quốc tế hạnh phúc (hay Ngày hạnh phúc - International Day of Happiness, ra đời từ năm 2013) để tôn vinh các giá trị gia đình.
Nam Phương - Infonet
Đăng nhận xét